T.P Thái Nguyên là nơi cư trú của nhiều đồng bào dân tộc anh em: Kinh, Tày, Nùng, Sán Chay… tuy mỗi dân tộc có những phong tục tập quán riêng nhưng có sự gắn kết trong cộng đồng. Nhân dân các dân tộc luôn đoàn kết kiên cường chống giặc ngoại xâm. Thời tiền Lê nhân đất Thái Nguyên là nơi lê Hoàn tập kết quân để tiến lên truy quyét quân Tống, bắt sống tướng Tống là Quách Quân Biện ở Võ Nhai. Thời nhà Lý, nhân dân Thái Nguyên dưới sự chỉ huy của Dương Tự Minh -Thủ lĩnh phủ Phú Lương đã đứng lên đánh đuổi quân xâm lược Tống. Dưới triều đại nhà Trần, nhân dân Thái Nguyên đã cùng nhân dân cả nước ba lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông…

 

Khi thực dân Pháp chiếm đánh Thái Nguyên, năm 1917 dưới sự chỉ huy của Trịnh Văn Cấn và Lương Ngọc Quyến nhân dân Thái Nguyên đã nổi dậy tham gia Khởi nghĩa Thái Nguyên… Sau khi Đảng ta ra đời, cách mạng Việt Nam bước sang một trang mới, cùng với nhân các huyện, thành, thị nhân dân  T.P Thái Nguyên đã vùng lên giải phóng thị xã, thành lập chính quyền Cách mạng… Sau ngày Toàn quốc kháng chiến (12/1946) thực hiện chủ trương "tiêu thổ kháng chiến", nhân dân T.P Thái Nguyên đã phá đi tất cả cầu cống, nhà cửa, đường sá, đến giữa năm 1947 thị xã Thái Nguyên chỉ còn là đống gạch vụn.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ, T.P Thái Nguyên là trọng điểm bắn phá của đế quốc Mỹ. Quân và dân T.P đã sát cánh cùng quân dân trong tỉnh chiến đấu kiên cường, bắn rơi 61 máy bay các loại trong đó có hai chiếc B52, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Đồng thời tổ chức tốt việc sơ tán dân, giữ vững các hoạt động sản xuất, bảo đảm giao thông vận tải thông suốt, phục vụ sản xuất chiến đấu đáp ứng nhu cầu của tiền tuyến. Từ năm 1965 đến 1975, T.P Thái Nguyên đã đưa tiễn trên 3 nghìn người con ưu tú vào bộ đội, tham gia chiến đấu trên khắp các chiến trường.

 

Chiến tranh biên giới phía Bắc bùng nổ năm 1979, gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ dân quân tự vệ các xã, thị trấn, tiểu khu cơ quan, các trường trung học, đại học đi xây dựng công trình chiến đấu ở phía trước. Bước vào thời kỳ đổi mới T.P Thái Nguyên luôn là đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm liền được biểu dương là đơn vị lá cờ đầu trong phong trào thi đua yêu nước khối huyện, thành, thị được Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc.

 

Trong lĩnh vực kinh tế, từ thời xa xưa T.P Thái Nguyên đã là nơi buôn bán sầm uất. Trong kháng chiến chống Pháp các cơ sở kinh tế tiểu thủ công nghiệp được chuyển ra ngoại thành tiếp tục sản xuất phục vụ nhân dân và phục vụ kháng chiến. Sau ngày hòa bình lập lại, hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp của Trung ương và địa phương lần lượt được xây dựng trên địa bàn. Trong đó Khu công nghiệp Gang thép - con chim đầu đàn của ngành Luyện kim Việt Nam được xây dựng năm 1959 và bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 1963. Trong những năm chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, phần lớn các cơ sở kinh tế của T.P phải sơ tán ra xa các vùng trọng điểm đánh phá của địch. Một số nhà máy chuyển một bộ phận đi sơ tán, một bộ phận ở lại tổ chức hoạt động để vừa sản xuất vừa chiến đấu. Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước thống nhất, nhân dân T.P Thái Nguyên tích cực hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống nhân dân.

 

Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, cơ cấu kinh tế của T.P được xác định là: Công nghiệp; tiểu thủ công nghiệp; thương mại dịch vụ - du lịch; nông nghiệp. Giai đoạn 1995 - 2005 tỷ trọng các ngành kinh tế có sự chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa rõ nét, tỷ trọng ngành công nghiệp tăng hàng năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 11%.

 

Không chỉ là trung tâm kinh tế của tỉnh, T.P Thái nguyên còn là địa điểm du lịch hấp dẫn với 95 điểm di tích lịch sử văn hóa, trong đó nổi bật là những di tích thuộc về cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917: Dinh công sứ; Trại lính khố xanh, Nhà lao thái Nguyên, Đền thờ Đội Cấn…