Vùng chè Tân Cương, T.P Thái Nguyên được thiên nhiên ban tặng chất đất làm nên thứ chè đặc sản mà ai thưởng thức cũng khó quên. Đến vùng chè Tân Cương, ngoài thưởng thức hương vị Trà đặc biệt, du khách còn được chiêm ngưỡng những cây chè cổ tại xóm Lam Sơn, trải nghiệm cách thức sao vò chè bằng phương pháp truyền thống để cảm nhận trọn vẹn hương vị thiên nhiên kết tụ trong mỗi búp chè.

 Điềm Mặc là xã nằm ở phía Tây Nam của huyện Định Hóa, cây chè bén rễ trên đất Điềm Mặc hơn 50 năm nay. Đến Điềm Mặc, du khách sẽ thỏa mắt ngắm những đồi chè bát úp xanh mướt. Cùng với việc tham quan các địa điểm di tích lịch sử trên địa bàn, du khách sẽ thích thú khi được thưởng thức những món ăn dân giã, được nghe những điệu hát Sli, Lượn do người Tày của Làng Văn hóa du lịch Bản Quyên biểu diễn.

Với kinh nghiệm lâu đời, người dân thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) đã sản xuất được sản phẩm trà với cánh chè xoăn chắc, màu xanh xám hoặc xanh đen và giòn tan với hương thơm dìu dịu mà khi pha và thưởng thức, du khách sẽ thực sự ấn tượng với nước trà thơm mát, trong xanh sóng sánh. Mỗi sản phẩm chè của người dân nơi đây đều thấm đượm cái tâm của người làm chè trong đó.

Khuôn Gà là một trong những vùng chè nổi tiếng của huyện Đại Từ. Chè Khuôn Gà được nhiều người nhớ đến bởi màu nước xanh đậm, hương thơm đượm. Vùng chè này thuộc xóm Vân Long, thị trấn Hùng Sơn, cách trung tâm huyện Đại Từ hơn 3km. Vùng chè Khuôn Gà hiện có gần 80ha chè kinh doanh, mỗi năm cho thu hoạch trên 800 tấn chè búp tươi, năng suất bình quân đạt 115 tạ/ha.

Nằm ở phía Tây Bắc T.P Sông Công, chè Bình Định (xã Bình Sơn) đã được người dân ưa chuộng bởi vị ngọt thơm, khác biệt so với chè ở các vùng khác trong tỉnh. Hưởng trọn nguồn nước xanh mát từ dòng sông Công nên cây chè ngày càng phát triển, sinh trưởng tốt. Vùng chè Bình Định gồm 3 làng nghề chè Bình Định 1, 2, 3 có tổng diện tích trên 60ha. Đến nay có trên 180 hộ dân (trong tổng 250 hộ) tham gia sản xuất chè.

Xóm Gốc Gạo, xã Tức Tranh là một trong 3 xóm đầu tiên của huyện Phú Lương được UBND tỉnh công nhận là Làng nghề chè truyền thống vào năm 2010. Người dân xóm Gốc Gạo đã tích cực đưa giống chè cành năng suất cao vào trồng thay thế những diện tích chè hạt; tích cực tham gia các lớp tập huấn, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất và chế biến chè. Sản phẩm chè của người dân xóm Gốc Gạo được xuất bán ra thị trường nhiều tỉnh.