Tôi luôn tin rằng, trong mỗi con người chúng ta luôn tồn tại hai phần "thiện" và "ác", như phần "con" và phần "người" một cách song song và cạnh tranh lẫn nhau. Đứng trước mỗi sự việc, hai phần tử ấy lại đấu tranh quyết liệt để giành phần thắng. Và thường thì phần đen, phần "con", trong chúng ta thường mạnh mẽ hơn và có xu hướng tiêu diệt phần "thiện". Bác Hồ của chúng ta cũng đã căn dặn: "Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học các xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu".
Thật vậy, con người ta luôn có xu hướng thích chọn việc nhẹ nhàng, dễ dàng, thích hưởng thụ, hơn là thích dấn thân vào cái khó, vào những thử thách gian truân. Nhưng ở đời, thành công thường đòi hỏi khổ luyện. Bởi thế, Bác mới nói "Học cái tốt thì khó,...". Ví dụ đơn giản trong cuộc sống hàng ngày, mỗi sáng ta thức dậy, phần "thiện" và phần "ác" trong chúng ta lại đấu tranh dữ dội, một bên thì bảo "Dậy đi, sáng rồi, dậy học tập, lao động, giúp ích cho đời", bên kia thì lại thủ thỉ: "Còn sớm mà, ngủ thêm một xíu nữa thôi, mình mệt quá, việc thì tí nữa dậy vẫn làm được mà". Và con người yếu đuối chúng ta thường dễ nghe những lời thì thầm ngon ngọt cám dỗ. Thế là ta lại ngủ thêm tí nữa, rồi thêm ngày nữa, ngày này qua ngày tháng, tháng nọ qua năm kia, bỏ lại mọi việc đều dang dở. Trong cuộc đời chúng ta, từ lúc bắt đầu học đi, học nói, học ăn, học viết chữ,...chúng ta đều phải trải qua những tranh đấu nội tâm như vậy, giữa việc bỏ nhiều giờ ra rèn viết chữ đẹp với việc viết bừa cho xong để còn chạy đi chơi, giữa việc học nói lời hay ý đẹp, hòa nhã với mọi người hay ăn nói vô ý tứ, nói cho thỏa thích,...có mấy việc chúng ta quyết tâm học đến nơi đến chốn, hay việc nào ta cũng làm cho xong, cho nhanh, như "nhào từ đỉnh núi xuống vực sâu"?
Tại sao học cái tốt thì khó như leo núi, leo mãi, dốc hết sức lực đến cạn kiệt mới tới đích, còn học cái xấu lại chỉ cần một bước trượt chân là có thể lao nhanh xuống ? Vì vốn dĩ con người chúng ta ngại gian khổ, thích dễ dàng. Thế nên, để có thể học cái tốt, kiên tâm bền vững không ngại khó khăn, cũng là một bài học về sự chọn lựa cho chúng ta. Ở đời, ta phải biết học cách đưa ra sự chọn lựa đúng đắn, học cách nghiêm khắc với chính mình, không dễ dãi, buông thả bản thân ăn chơi, hưởng thụ. Đó là một hành trình chiến đấu với chính mình, là hành trình vượt qua những cám dỗ đầy mê hoặc để bước vào con đường khó khăn theo đuổi điều tốt đẹp mà không phải ai cũng có đủ dũng khí để chinh phục đỉnh núi đến cùng. Bởi thế người thành công trên thế giới này mới ít hơn những con người sống bình thường cho qua ngày tháng.
Thành công là một đỉnh núi cao cần một sự kiên trì theo đuổi, nó không phải là con đường nhẹ nhàng cho những kẻ lười biếng thích hưởng thụ. Còn bạn thì sao? Bạn có đủ tự tin để chiến thắng chính mình, để chinh phục đến cùng đỉnh vinh quang, hay bạn chọn sống những ngày tháng tẻ nhạt, chỉ một lần được nếm cảm giác bay từ núi xuống rồi mãi mãi chìm dưới đáy vực sâu?
Nguyễn Thị Hoa Phượng