Nét chữ nghiêng nghiêng
(Tặng thương binh Nguyễn Minh Phú)
Nhìn nét chữ nghiêng soi
Anh nhớ về tất cả
Những tháng ngày nghiệt ngã
Bom đạn và chiến tranh!
Em như nhiều vinh viên
Ước mơ nghề Y- Dược
“Như mẹ hiền” chữa được
Những căn bệnh hiểm nghèo
Đất nước gọi! Sóng reo
Lên đường đi cứu nước
Em xếp niềm mơ ước
Cầm sung ra chiến trường
Đã nhiều lần bị thương
Một bàn tay để lại
Khi quân thù thất bại
Đất nước mình hồi sinh
Em về trường tiếp tục
Xây ước mơ của mình!
Bàn tay người thương binh
Viết trên dòng chữ mới
Tin yêu và hy vọng
Nét chữ thành nghiêng nghiêng!
1987 TĐD
SỐ PHẬN MỘT BÀI THƠ*
Một cựu bí thư Đoàn trường nhận xét: Bài thơ “ Nét chữ nghiêng ngiêng” có nội dung rất chân thực, thể hiện bằng cảm xúc sâu sắc, tứ thơ tự nhiên không kém phần đằm thắm. Bài thơ phản ánh phong trào đoàn trường một giai đoạn khá tiêu biểu…Nó có số phận rõ ràng!
Chiều ấy tôi nhận được lá thư tay của đồng chí Nguyễn Minh Phú (NMP) là Bí thư Đoàn trường, mời tham gia ban giám khảo cuộc thi “Sinh viên thanh lịch”. Lá thư với những dòng chữ nghiêng nghiêng khác thường, tôi xúc động viết một mạch cảm xúc của mình:
“Nhìn nét chữ nghiêng soi/ Anh nhớ về tất cả….Bàn tay người thương binh/ Viết trên dòng chữ mới/ Tin yêu và hy vọng/ Nét chữ thành nghiêng nghiêng”.
Hôm sau họp ban tổ chức, nhân tiện tôi trình bày bài Nét chữ nghiêng nghiêng, mọi người cùng xúc động. Sau đó nhà báo Hoàng Đình Tông cho đăng trang thơ báo Thái Nguyên. Ít lâu sau Đoàn Trường tổ chức buổi giao lưu thơ ĐHYTN, có mời nhà thơ Kim Toàn, Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên. Tới dự còn có đồng chí Bí thư đảng ủy Lê Ngọc Trọng (sau này làm Thứ trưởng Bộ Y Tế). Trong không khí hào hứng đồng chí bí thư yêu cầu nói rõ sự ra đời bài thơ này.
Vào Xuân 1972, công cuộc giải phóng Miền Nam bước vào giai đoạn quyết định, một số sinh viên các trường được động viên nhập ngũ, trong đó có sinh viên NMP học năm thứ hai khóa IV, lên đường cầm súng chiến đấu ở chiến trường, rồ bị thương mất bàn tay phải. Khi nước nhà thống nhất, đất nước được hồi sinh, anh về trường tiếp tục học tập. Nhưng anh phải dùng tay trái để viết, cho nên nét chữ thành nghiêng nghiêng. Tốt nghiệp anh tham gia công tác đoàn và là Bí thư Đoàn trường nhiều khóa nhất –dài nhất (từ 1986-1996)
Có những buổi ngoại khóa với đoàn viên tôi trình bày bài thơ, nhiều gương mặt thực sự cảm động, khâm phục nhân vật trong bài thơ.
Nhân kỷ niệm 30/4 /1995 Nhà báo, Luật Sư Nguyễn Thiệu Dụ gửi đăng bài thơ ở báo Pháp Luật. Bài thơ này được in trang 30, “Miền Ký Ức” Nhà xuất bản Văn học, 2012. (tác giả Trần Đăng Dương).
Hôm nay kỷ niệm 85 năm thành lập Đoàn TNCSHCM, gặp gỡ các Cựu cán bộ đoàn các thời kỳ, người còn, người mất, tôi nhắc lại bài “Nét chữ nghiêng nghiêng”,người nghe cảm nhận như mới ngày nào! Trẻ trung và nhiệt huyết. Và thành lập CLB Cựu cán bộ Đoàn- Hội Trường, trăm phần trăm bầu NMP là chủ nhiệm, thật “hữu duyên”.
Đúng là bài thơ gắn với kỷ niệm sâu sắc trong công tác đoàn thanh niên trường ĐHYDTN và có số phận thực sự.
Hơn nửa thế kỷ qua, phong trảo Đoàn trường ĐHYDTN, có bước trưởng thành vượt bậc cùng với Viện- Trường. Lớp lớp đoàn viên đã cống hiến không ngừng cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân các dân tộc. Đoàn thanh niên CSHCM là trường giáo dục lý tưởng của tuổi trẻ. Bất chợt giai điệu bài “Tôi không thể nào quên” của nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn, lại vang lên làm lay động khán phòng…
Tháng 3/2016 TĐD