I.                   LỊCH SỬ NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM (28/06)

Sinh thời chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội. Không chỉ vậy, gia đình còn góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của người Việt được lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử.

Ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về ngày Gia đình Việt Nam. Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

II.                Ý NGHĨA NGÀY GIA ĐÌNH VIỆT NAM

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn còn tồn tại và gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Ngày Gia đình Việt Nam là một sự kiện văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, là dịp để các gia đình giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. 

Đây cũng là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có bố mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc.

III.             MỤC ĐÍCH TỔ CHỨC CHƯƠNG TRÌNH:

Chương trình được tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục, nâng cao sự hiểu biết sâu rộng về gia đình, hôn nhân và gia đình, pháp luật về phòng chống bạo lực trong gia đình, khơi dậy niềm yêu thương gia đình cho tất cả công dân trong và ngoài nước.

Gia đình Việt Nam hiện nay đang phải đương đầu với một loạt thử thách lớn khi chuyển từ mô hình gia đình truyền thống sang gia đình hiện đại. Để tồn tại và phát triển, mỗi gia đình phải tìm cách thích ứng với những điều kiện mới, từng thành viên trong gia đình phải tự điều chỉnh các mối quan hệ trong gia đình. Thực tế cho thấy, sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng cùng với những trào lưu tiến bộ về khoa học công nghệ, tiếp thu văn hóa thế giới có phần không tương xứng với sự phát triển không chọn lọc đã làm đổ vỡ, mờ nhạt một số hệ thống giá trị văn hóa, tinh thần trong một số gia đình Việt Nam.

Làm thế nào để hôn nhân, truyền thống gia đình thoát khỏi những tác động tiêu cực và thích nghi với những giá trị mới là một câu hỏi được mọi người quan tâm, đặc biệt là những người giữ lửa trong gia đình. Con cái và cha mẹ sẽ tổ chức cuộc sống ra sao khi mô hình gia đình hạt nhân đang thay thế dần cho mô hình gia đình tuyền thống, gia đình tam – tứ đại đồng đường? Bên cạnh đó, trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ, vấn đề gia đình từ những cuộc hôn nhân có yếu tố nước ngoài cũng đang có những chuyển biến. Ngoài ra, các vấn đề gia đình trong tổ ấm đơn thân, “tổ ấm đặc biệt” có “bố, mẹ cùng giới tính”, người già sống trong nhà dưỡng lão cũng đang xuất hiện những giá trị mới. Chưa bao giờ vấn đề gia đình thời nay lại trở nên bức thiết như lúc này.

Gia đình vẫn được coi là một trong những giá trị tinh thần vô cùng quý giá của nhân loại, cần được giữ gìn và phát huy. Văn hóa hôn nhân và gia đình không phải là vấn đề quá xa xôi, trừu tượng, nó thể hiện ngay trong những hành động, cách nghĩ, cách hành xử của mỗi người trong cuộc sống thường ngày. Vấn đề là làm thế nào để chúng ta thực hiện điều ấy, để gia đình mãi là tổ ấm, là bến đỗ bình yên, là bệ phóng của mỗi người? Điều này cần có sự định hướng đúng đắn. Đặc biệt ở Việt Nam vấn đề gia đình đã được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, đã chọn ngày 28/6 là ngày gia đình Việt Nam và hướng tới mục tiêu xây dựng gia đình Việt Nam "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững". Chính vì vậy, cuộc thi “Viết về gia đình Việt Nam 2016” với chủ đề “Ba ngọn nến lung linh” do Báo Điện tử Người Đưa tin, Báo Hôn nhân & Pháp luật và Báo Gia đình & Pháp luật tổ chức sẽ góp phần vào việc xây dựng mục tiêu đó. Qua cuộc thi viết được phát động này, mong sự tham gia nhiệt tình của tác giả từ mọi miền đất nước cùng với số lượng bài dự thi là những phản ánh cái nhìn đa chiều, ca ngợi những giá trị đạo đức bền vững của gia đình đồng thời cũng chỉ ra các vấn đề bất cập… để cho cuộc sống ngày một tươi đẹp lên.

“Cuộc thi viết về Gia đình Việt Nam 2016” chính là nơi Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt, tôn vinh những nét đẹp mới trong cuộc sống gia đình cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi tổ ấm, góp phần giáo dục, bồi dưỡng tình yêu gia đình, quê hương, đất nước của thế hệ trẻ. Từ đó phát huy được tinh thần tự hào dân tộc, đoàn kết và phát triển.

IV.             THỂ LỆ CUỘC THI

1.      Đối tượng dự thi:

Các nhà văn, nhà báo, tất cả các cây bút chuyên và không chuyên, các cộng tác viên, độc giả của báo ở mọi lứa tuổi, ngành nghề tại các địa phương trong và ngoài nước.

2.      Nội dung cuộc thi:

Nội dung bài viết đề cập đến tất cả những vấn đề của đời sống gia đình thời nay như quan hệ và cách ứng xử của các thành viên, các thế hệ với nhau; những ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực của xã hội vào trong gia đình, đời sống hôn nhân, việc giáo dục con cái, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trẻ em, bao gồm những vấn đề về giới tính, hôn nhân đồng giới, chuyển giới… Đề cao và tôn vinh những giá trị đạo đức, truyền thống, phù hợp với cuộc sống hiện đại của gia đình Việt Nam.

3.      Yêu cầu bài dự thi:

Các bài dự thi là các bài viết văn xuôi bằng tiếng Việt có dấu, được thể hiện dưới hình thức bút ký, hồi ký, nhật ký, thư và phóng sự…., bài dự thi không được viết tắt và sử dụng tiếng lóng, giới hạn không quá 1700 từ.

Bài viết chưa được đăng tải trên sách, báo hoặc tham dự bất kỳ cuộc thi nào.  

Bài dự thi phải tuân thủ đúng những quy định trong thể lệ cuộc thi và phải được trình bày sạch, đẹp, rõ ràng. Bài dự thi phải chuyển tải ít nhất một trong các nội dung theo quy định của thể lệ cuộc thi này.

Bài dự thi có thể viết tay hoặc đánh máy. Các bài dự thi có thể gửi kèm tư liệu, hình ảnh (ảnh gốc, sao chụp) hoặc các minh hoạ khác.

Bài dự thi phải ghi rõ họ tên, tuổi, nghề nghiệp, đơn vị học tập/công tác (nếu có), địa chỉ và số điện thoại liên hệ.

Bài dự thi sẽ không được xem là hợp lệ nếu sao chép dưới mọi hình thức.

Mỗi tác giả có thể gửi một hoặc nhiều bài dự thi kể từ khi phát động đến khi kết thúc cuộc thi.     

V.                THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM NHẬN BÀI DỰ THI

Thời gian bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 01/04/2016.

Hạn cuối cùng nộp bài dự thi tính đến hết ngày 30/09/2016 (căn cứ dấu bưu cục đối với bài dự thi qua bưu điện).

Bài dự thi gửi về Ban tổ chức cuộc thi qua đường Bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ Bài dự thi “CUỘC THI VIẾT VỀ GIA ĐÌNH VIỆT NAM 2016” và gửi về theo địa chỉ sau:

BAN THƯ KÝ CHƯƠNG TRÌNH
Địa chỉ: Báo Điện tử Người Đưa Tin, Tầng 4 tòa tháp Ngôi Sao, đường Dương Đình Nghệ, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

*Tel: (04) 62927306                    * Hotline: 0936499931 - 0978911991 

Bài gửi qua thư điện tử xin gửi về:

Email: vietvegiadinh2016@gmail.com 

VI.     BAN TỔ CHỨC CUỘC THI

Trưởng ban: Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh – Tổng Biên tập Báo Điện tử Người Đưa tin

Phó trưởng ban thường trực: Nhà báo Vương Tiến Thành – Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử Người Đưa tin

Phó trưởng ban:

+ Đại tá - Nhà báo Lưu Vinh – Tổng Biên tập Báo Điện tử Gia đình & Pháp luật

+ Nhà báo Lê Tuấn Dũng – Phó Tổng Biên tập Báo Hôn nhân & Pháp luật

Các uỷ viên: Một số nhà báo, thành viên đơn vị tổ chức.

VII.          HỘI ĐỒNG GIÁM KHẢO

Chủ tịch: Nhà báo Nguyễn Tiến Thanh – Tổng Biên tập Báo Điện tử Người Đưa tin

Các ủy viên:

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Tiến sĩ Nguyễn Bá Thủy – Chủ tịch Hội KHHGĐ Việt Nam

Nhà báo Phạm Thế Lân – Phó chánh Văn phòng TW Hội Luật gia Việt Nam

Ban Thư kí cuộc thi

Ông Nguyễn Văn Thành – Thư ký tòa soạn Báo Hôn nhân & Pháp luật

Bà Nguyễn Diệp Linh – Phòng Sự kiện – Truyền thông

Bà Lê Phương Linh – Phòng Sự kiện – Truyền thông

Bà Lê Mai – Phòng Sự kiện – Truyền thông

VIII.       CÁCH THỨC CHẤM THI, BÌNH CHỌN VÀ SỬ DỤNG BÀI

Bài dự thi sẽ được Ban Tổ chức và Ban Giám khảo đánh giá khách quan và cho điểm.

Bài dự thi sau khi được gửi về sẽ được chọn đăng trên website Báo Điện tử Người Đưa tin, Báo Điện tử Gia đình & Pháp luật. Mỗi độc giả yêu thích (like), bình luận (comment), chia sẻ (share) thì bài dự thi sẽ được tính lần lượt 1 điểm, 2 điểm, 3 điểm. Tổng điểm trên sẽ sử dụng để chọn ra những bài dự thi được độc giả yêu thích nhất theo cơ cấu giải thưởng.

Sau khi kết thúc quá trình chấm giải, những bài dự thi đoạt giải sẽ là những bài có số điểm cao nhất được Ban Giám khảo lựa chọn. Những bài đoạt giải sẽ được đăng trên chuyên mục riêng của Báo Hôn nhân & Pháp luật.

IX.                  CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG

01 Giải nhất trị giá 10 triệu đồng

02 Giải nhì mỗi giải trị giá 05 triệu đồng

03 Giải ba mỗi giải trị giá 03 triệu đồng

05 Giải khuyến khích mỗi giải trị giá 01 triệu đồng

20 Giải dành cho những bài viết được người đọc yêu thích nhất trị giá 500.000 đồng.

01 giải thưởng cho tập thể có nhiều cá nhân tham gia cuộc thi nhất.

TỔNG TRỊ GIÁ GIẢI THƯỞNG: 50 TRIỆU ĐỒNG

X.                QUYỀN LỢI NGƯỜI DỰ THI

Được tham dự cuộc thi theo thể lệ đã công bố.

Có trách nhiệm tuân thủ thể lệ cuộc thi. Việc gửi bài dự thi được coi như đã chấp nhận thể lệ cuộc thi.

Các bài dự thi có chất lượng sẽ được Ban tổ chức cuộc thi xem xét để đăng trên: Báo Điện tử Người Đưa tin, Báo Gia đình & Pháp luật và báo Hôn nhân pháp luật.

Các bài dự thi do Ban tổ chức cuộc thi giữ bản quyền.

Các tác giả đoạt giải sẽ được nhận giải thưởng theo như quy định.

XI.             THÔNG BÁO KẾT QUẢ VÀ TRAO THƯỞNG

Thời gian: Dự kiến công bố kết quả và trao thưởng vào khoảng trung tuần tháng 10 năm 2016 tại Nhà Hát lớn TP. Hà Nội hoặc một địa điểm khác tương đương (Thời gian và địa điểm cụ thể sẽ do Ban Tổ chức cuộc thi thông báo sau).

Ban Tổ chức sẽ mời đại diện Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng đến dự và trao giải thưởng cho những tập thể và cá nhân đạt giải tại buổi Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi.

Khi đến nhận giải thưởng, tập thể và cá nhân đạt giải cần mang theo giấy giới thiệu hoặc giấy chứng minh nhân dân. Trường hợp không có điều kiện trực tiếp đến nhận, Ban tổ chức cuộc thi sẽ gửi giải thưởng qua đường bưu điện.

Tuỳ theo chất lượng và số lượng các tác phẩm dự thi, Ban tổ chức cuộc thi có thể điều chỉnh cơ cấu của mỗi loại giải thưởng, ngoài ra có thể xem xét trao một số giải đặc biệt.