“ Bác sỹ = Nhiều tiền + Nhiều người phải kính nể”
Ok, vậy là nó – đứa con gái mười bảy tuổi, dù rất nhát gan và sợ ma vẫn quyết tâm bước vào cổng trường đại học y. Không đam mê, không ước mơ, đó chỉ đơn giản là một ảo tưởng, một sự lựa chọn đầy tính toán.
Nhưng mọi việc không đơn giản như nó nghĩ, bước chân vào đại học là bước vào một môi trường sống mới với những con người mới. Thật lạc lõng! Mỗi sáng thức dậy nó chỉ thấy bốn bức tường xa lạ, mở cửa ra cũng chỉ có nhà với nhà. Nó thấy mình thật bé nhỏ và cô đơn giữa chốn đô thị phồn hoa này. Nó nhớ nhà, nhớ những con người chất phác nhưng đầy tình yêu thương ở miền quê nghèo ấy, nhớ núi, nhớ rừng đã bao bọc cả tuổi thơ của nó, nhớ mùi thơm ngọt dịu của những nương ngô sau mưa,...nhớ đến thắt lòng. Nhưng càng nhớ nó càng phải gồng mình lên để sống, để tồn tại và để đối phó với những môn học đầy “ xương” ở trường. Phải, chỉ là đối phó thôi! Nó học như một con vẹt. Nó không yêu thích, không đam mê thì làm sao những giải phẫu, sinh lý, mô phôi,…in sâu vào đầu nó được. Tất cả chỉ như cơn gió, qua là hết, chẳng còn đọng lại chút gì. Nó đâu học vì người khác, nó đâu nghĩ được cứu lấy mạng người là quan trọng, nó học chỉ vì một công việc ổn định, một địa vị xã hội tốt sau này. Và có lẽ nó sẽ mãi mãi như thế nếu không có một ngày nó được gặp người thày ấy. “ Mỗi sai lầm của chúng ta sẽ phải trả giá bằng cả tính mạng hoặc một phần thân thể của bệnh nhân. Vì vậy phải học và hành thật cẩn thận!”. Lời dạy đó như một tia hy vọng rọi thẳng vào tâm hồn u mê tăm tối mà nó vẫn lầm tưởng là trong sáng của nó. Nó nghĩ nhiều, nhiều lắm, càng nghĩ nó lại càng thấy nó đã sai, sai nhiều quá rồi. Trước giờ nó đã làm được những gì, đã được gì và đã mất gì? Nó chỉ có được một bảng điểm đẹp để bố mẹ nó tự hào với hàng xóm và để bản thân nó tự hào với bạn bè. Nhưng những con số đấy có giúp nó trở thành một bác sỹ giỏi, có tâm huyết, có nhiệt huyết với nghề không, có giúp nó biết cảm thấy đau với những nỗi đau của bệnh nhân không? Câu trả lời là không. Và nếu cứ tiếp tục như vậy tương lai của nó sẽ là cái gì? Một bác sỹ hành lang, một bác sỹ bàn giấy hay là một bác sỹ chỉ biết có tiền với tiền??? Không, không thể như vậy được, nó không muốn thế đâu, nó phải thay đổi, thay đổi từ cái “ tâm” của chính mình. Mỗi ngày đến bệnh viện nó phải chứng kiến bao nỗi đau đớn của bệnh nhân, những khuôn mặt nhăn nhó, những tiếng kêu la, những giọt nước mắt vì đau. Họ nằm đấy, ngày qua ngày chống chọi với bệnh tật. Nhưng chính họ đã động viên khi thấy nó run rẩy trong lần đầu cầm kim tiêm, khi nó lung túng như gà mắc tóc trước mặt thầy cô. “ Các cháu phải cố gắng học thật tốt thì mới trở thành bác sỹ giỏi, nhân dân các bác mới được nhờ.”. Nó khóc. Đây mới chính là điều nó phải làm, cố gắng không phải vì bản thân mình mà quan trọng hơn là vì mọi người. Một bác sỹ chân chính phải đặt sức khỏe của bệnh nhân lên trên tất cả mọi thứ, kể cả mạng sống của mình. Nó lao vào học, học bằng cả trái tim và trí óc. Lịch học kín mít, những gói mỳ qua bữa để kịp giờ lên lớp và những đêm thức trắng ở bệnh viện đã dần vắt kiệt sức lực của nó. Có những lúc tưởng chừng như không thể gượng dậy được nữa nhưng nhìn những nụ cười khi bệnh nhân được ra viện và những giọt mồ hôi của các thày khi có bệnh nhân cấp cứu hay trong những cuộc mổ giữa đêm, nó hiểu rằng nó không được phép gục ngã.
Mỗi bác sỹ là một chiến binh trong cuộc chiến khốc liệt để giành lấy tính mạng con người khỏi bàn tay tử thần. Họ phải trang bị cho mình những hành trang tốt nhất và không được phép lơ là một phút giây nào, nếu không tính mạng bệnh nhân sẽ mất trong chính đôi tay của họ. Nó đang đặt những bước chân đầu tiên trên con đường ấy. Sẽ còn nhiều lắm những khó khăn và vất vả, sẽ còn rơi nhiều nữa những giọt mồ hôi và nước mắt, nhưng nó sẽ cố gắng vượt qua tất cả để có thể trở thành một bác sỹ vừa có đức vừa có tài như thày Tâm, thày Sửu nó vẫn hằng ngưỡng mộ. Và nó lại nghe mùi thơm dịu của ngô, màu xanh trùng điệp của núi rừng. Nơi đã sinh ra nó sẽ luôn mở rộng vòng tay đón nó về. Nó mỉm cười.
“ Bác sỹ = Lòng yêu thương con người + Cái tâm với nghề + Kiến thức, tay nghề chuyên môn vững vàng”
Hoàng Diệu Linh - Lớp K42I